Vai trò tên lửa và vệ tinh
Published:
Hôm qua có chú em ở quê tò mò hỏi về công việc bọn mình làm, nên nhân đây chia sẻ thêm về công việc của một ngành công nghiệp chắc chưa phổ biến ở VN- đó là ngành công nghiệp không gian (Space industry).
Cơ bản thì con người là giống tò mò, luôn đặt câu hỏi trên trời kia có cái gì, giới hạn của vũ trụ này đến đâu, ngoài trái đất thì có nơi nào sống được nữa không, …, vân vân và mây mây. Và rồi từ những tò mò đó kết hợp với việc phát triển càng ngày càng lớn của khoa học kỷ thuật, con người tạo ra những công cụ, thiết bị để khám phá không gian không chỉ để thỏa trí tò mò mà qua đó giúp ích cho cuộc sống.
Một thiết bị hữu ích trong không gian mà con người chế tạo và phóng lên đó là vệ tinh (satellite). Vệ tinh cơ bản là cục sắt được điều khiển tự động để bay lòng vòng quanh trái đất. Nó được gắn gắn camera và các cảm biến giúp chụp hình trái đất qua đó giúp chúng ta xây dựng các bản đồ như (google maps), hay để dự báo thời tiết. Bây giờ điện thoại ai cũng có GPS để nhận biết mình đang ở đâu, để giúp chỉ đường đi, đó cũng là nhờ vệ tinh. Và gần đây vệ tinh còn có thêm một chức năng nữa là giúp chúng ta có intenet để vào facebook chém gió với bạn bè. Đó là những ứng dụng phổ biến của vệ tinh mà mọi người có thấy hằng ngày tuy nhiên còn vô vàn ứng dụng khác nữa mà ở đây không thể kể hết.
Các vệ tinh này được chế tạo ở trái đất nhưng làm sao để đưa nó lên trên trời và cho nó bay lòng vòng trên đấy ? Để làm được điều đó con người chế tạo ra phương tiện vận chuyển gọi là tên lửa đẩy (launching vehicles). Loại tên lửa này cơ bản giống với loại dùng trong quân sự để đánh nhau (còn gọi là missile), nhưng nhiệm vụ chính là vận chuyển các thiết bị như vệ tinh, con người, tàu vũ trụ … lên không gian. Các tên lửa đẩy này cũng có nhiều loại to nhỏ khác nhau, như xe khách chở người có loại 9, 16, hay 36 chổ, thì tên lửa cũng có loại nhỏ mini (cao tầm 20m), loại vừa tầm 50m, và loại lớn tầm 100m. Loại to thì chở càng được nhiều hàng hóa nhưng càng tốn kém mỗi lần phóng. Cấu tạo tên lửa thường có 2 hoặc 3 tầng, tầng thứ nhất ở dưới thường dùng để chứa nhiên liệu và oxi để cấp cho động cơ tầng này. mục tiêu là đẩy tên lửa ra khỏi tầng khí quyển trái đất. Sau khi lên đến độ cao nhất định tầm 50, 60km thì tầng thứ 2 tách ra, tiếp tục bay để chở hàng hóa (vệ tinh, con người) đến quỹ đạo mong muốn rồi nhả ra, hiểu nôm na như đến nơi rồi giao hàng vậy.
Cả tên lửa và vệ tinh đều là những cỗ máy phức tạp nhất của loài người, mỗi cái có hàng nghìn thiết bị, bộ phận tạo nên, cả phần cứng lẫn phần mềm. Để làm ra nó, phóng lên, hoạt động thành công là việc tốn rất nhiều tiền của, thời gian, và cần đến cả trăm kỷ sư làm việc trong nhiều năm. Ví dụ công ty phát triển tên lửa đẩy ở Scoland (Orbex) nơi bọn mình cung cấp phần mềm điều khiển cho họ thì có đến cả trăm người đến từ 34 nước. Nhóm bọn mình gần chục người lo phần dẫn đường, định vị, điều khiển thì ngoài mình người Việt thì có 3 chú người Anh, 1 chú người Rumani, 1 chú người Braxin, 1 chú người Peru, 2 chú Tây Ban Nha, và 1 chú Italia, và một cô người Bồ. Cơ bản người tứ xứ, một người mỗi việc phối hợp hài hòa cùng nhau vì mục tiêu công việc chung vì không thể ai có thể biết và làm được hết.
Nói đến đây mọi người nghỉ dân kỷ sư trong ngành này kiếm ăn rất ngon vì nghe làm những thứ “cao siêu” thế. Điều này nếu có đúng thì chắc ở Mỹ hay nơi khác chứ không phải ở EU. Mình từng lượn vòng các công ty space ở EU thì lương bổng cũng ngang với những công việc kỷ sư khác thôi. Sau công việc thì thằng nào cũng lo cơm áo gạo tiền cả. Cái được nhất trong ngành này là sẽ thấy được nhiều thứ đẹp đẻ trong khoa học và kỷ thuật và những ý nghĩa công việc mang lại cho sự tiến bố của xã hội (loài người) nói chung.